Địa chỉ: Thôn 9 - Xã Nghĩa Hưng - Huyện ChưPăh - Tỉnh Gia Lai; SĐT: 02693 845 559  Fax: 02693 845 549
Ngôn ngữ:
TIN TRỌNG ĐIỂM
CÔNG TRÌNH DỰ ÁN
Giao thông
Dân dụng
Công nghiệp
Thủy điện
Thống kê
Lượt truy cập: 3634888
Trang chủ » Tin Hiệp Hội XM Việt Nam »
NGÀNH XI MĂNG VẬT LỘN VỚI KHỦNG HOẢNG THỪA

Hàng loạt dây chuyền, nhà máy mới chạy cầm chừng, thua lỗ, ngừng sản xuất bởi chi phí tăng cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, trong khi giải pháp xuất khẩu hay làm đường bằng bê tông xi măng chỉ mang tính tình thế. Phải chăng quy hoạch ngành xi măng có vấn đề? Hay DN xi măng đầu tư dàn trải, quá mức, thiếu tính toán...? 
 
Vận chuyển xi măng tiêu thụ tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch.    Ảnh: Tuấn Anh -TTXVN

Bài 1:Lớn, bé cùng "rủ nhau" lỗ

Trong 10 năm trở lại đây, xi măng Việt Nam có giá bán thấp nhất trong khu vực ASEAN, luôn ở mức trên dưới 50 USD/tấn, trong khi giá xi măng trung bình trong khu vực từ 65 USD đến 75 USD/tấn. Với nhiệm vụ bình ổn thị trường về giá và nguồn cung, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từ năm 2008 đến nay, giá xi măng chỉ tăng khoảng 30%, trong khi giá than, nhiên liệu chính để sản xuất xi măng, tăng gấp 4 lần. Giá điện, xăng dầu cũng điều chỉnh tăng liên tục. Từ cuối năm 2010, DN xi măng chịu thêm sức ép của việc tăng tỷ giá hối đoái giữa VND và USD, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao, nên chi phí tính trên giá thành xi măng tăng thêm 22-30%. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với tổng chi phí năng lượng (chiếm 50% giá thành xi măng), tỷ giá hối đoái (tăng khoảng 10%), lãi suất vay ngân hàng hơn 20%/năm, hầu hết DN xi măng năm 2011 đều lỗ.

Điển hình cho tình trạng bi đát của ngành xi măng là các nhà máy mới đi vào hoạt động. Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, là một trong những nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Đầu tư đúng quy hoạch, chỉ tiêu tiêu hao năng lượng thấp, số lượng nhân công chỉ bằng 1/4 so với nhà máy khác cùng công suất, nhưng nhà máy cũng không thoát khỏi thua lỗ bởi chưa có thương hiệu, lại đi vào hoạt động đúng lúc kinh tế khủng hoảng. Năm 2010-2011, sản lượng tiêu thụ đạt 85% công suất. Năm 2012, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ bằng 88% công suất thiết kế, song quý I mới tiêu thụ được 20% kế hoạch năm. Trong khi đó, lãi vay tăng, chênh lệch tỷ giá tăng, chi phí đầu vào tăng so với tính toán ban đầu nên nợ lũy kế của nhà máy tính đến hết năm 2011 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Tương tự, Nhà máy Xi măng Hạ Long, công suất 2,15 triệu tấn/năm cũng có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đi vào hoạt động đúng thời điểm thị trường sụt giảm sức tiêu thụ nên công suất nhà máy chỉ đạt 72% thiết kế. Hết năm 2011, lỗ lũy kế của nhà máy lên tới 1.090 tỷ đồng. Đại hội cổ đông vừa qua nhất trí nâng vốn chủ sở hữu lên 1.491 tỷ đồng nhưng cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Sông Đà cũng đang gặp khó khăn, nên nhà máy vẫn tiếp tục phải đi vay với lãi suất cao. Dây chuyền 2 của nhà máy phải lùi thời gian đầu tư đến năm 2016; điều đó có nghĩa toàn bộ chi phí đầu tư hệ thống cấp nguyên liệu cho toàn nhà máy (khoảng 2.000 tỷ đồng) dây chuyền 1 sẽ phải gánh hết. Bi đát hơn cả có lẽ là Nhà máy Xi măng Đồng Bành. Hoạt động từ cuối năm 2010 trong tình trạng thiếu vốn, đầu tư chưa đồng bộ, trình độ quản lý kém, sản phẩm tiêu thụ không được nên chưa đầy một năm, nhà máy đã phải dừng sản xuất. Đến tháng 9-2011, nhà máy đã lỗ 149 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Đỗ Đức Oanh cho biết, hiện nay, để đối phó với tình trạng tiêu thụ chậm, đa số các nhà máy đều giảm công suất hoặc kéo dài thời gian bảo trì, sửa chữa để dãn thời gian chạy máy. Cũng theo ông Oanh, DN xi măng "đen" ở chỗ đúng lúc thị trường ảm đạm, tiêu thụ giảm, thì nhiều dây chuyền đầu tư mới đi vào hoạt động và bắt đầu phải trả cả vốn lẫn lãi vay đầu tư ở mức cao. Thậm chí, tại thời điểm này, DN xi măng vẫn phải chịu lãi suất ở mức 20%/năm mà vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, chứ chưa dám mơ đến mức lãi suất 15%/năm.

Về tình hình tiêu thụ sản phẩm, trong tháng 3, tháng 4, sản lượng đã nhích lên so với đầu năm (4,8 triệu tấn so với 2,2 triệu tấn/tháng), nhưng tính tổng 4 tháng đầu năm (15 triệu tấn) vẫn kém hơn so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi, nếu so với năm 2010, năm 2011 sản lượng tiêu thụ cũng giảm đáng kể. Với tình huống lạc quan nhất, tức là Nhà nước có các giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng, thị trường bất động sản ấm dần… sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2012 cũng chỉ hy vọng bằng năm 2011, đạt khoảng 49 triệu tấn - ông Đỗ Đức Oanh nói.

 
BÀI 2: LỐI NÀO THOÁT HIỂM
 
Trước tình trạng cung vượt cầu, tiêu thụ khó, hầu hết DN xi măng thua lỗ, câu hỏi đặt ra là phải chăng quy hoạch ngành có vấn đề? Hay DN thiếu tính toán trong đầu tư để rồi thua lỗ?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Đỗ Đức Oanh lý giải, quy hoạch ngành xi măng được xây dựng dựa trên nhu cầu tăng trưởng 10-15%/năm. Nếu nhìn vào giai đoạn năm 2005-2010, quả thật việc đầu tư phát triển nhà máy xi măng là hoàn toàn chính xác. Năm 2005, sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước là 29 triệu tấn, năm 2006, sản lượng tăng lên 32,4 triệu tấn; năm 2007 là 36,4 triệu tấn và năm 2008 là 41 triệu tấn. Năm 2009 và 2010, bình quân mỗi năm sản lượng tăng khoảng 6 triệu tấn. Chỉ đến năm 2011, sản lượng tiêu thụ mới giảm, do lạm phát tăng cao, đầu tư công từ những công trình hạ tầng, công sở, đến những công trình dân dụng đều cắt giảm; thị trường bất động sản "đóng băng", hàng loạt dự án khu đô thị, nhà ở dừng khởi công, giãn tiến độ, thậm chí "đắp chiếu" ngừng thi công. Quan sát giai đoạn năm 2006-2010 có thể thấy, nhiều thời điểm thị trường xi măng "sốt nóng" do khan hàng vào mùa cao điểm xây dựng, nhất là tại thị trường phía Nam. Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, với vai trò là DN của Nhà nước, đồng thời giữ 30% thị phần, đã nỗ lực để kiểm soát, bình ổn thị trường. Dần dần từ chỗ cung không đáp ứng cầu, hằng năm phải nhập khẩu clinke, xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, ngành xi măng đã có thể tự chủ, tiến tới xuất khẩu xi măng.

Tuy nhiên, bất ổn ở chỗ quy hoạch dự báo tăng trưởng chưa chuẩn và chưa lường cả những yếu tố bất lợi (như lạm phát, kinh tế sụt giảm) nên dẫn đến tiêu thụ khó, dư thừa, cung vượt cầu. Năm 2012, nếu có giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng, thị trường bất động sản ấm lại, dự kiến sản lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng năm 2011, khoảng 49 triệu tấn, cộng với 8 triệu tấn dự kiến xuất khẩu, tổng sản lượng dư thừa sẽ vào khoảng 10 triệu tấn. Trong khi theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015, sản lượng xi măng sẽ tăng lên 94 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên tới 129 triệu tấn. Cái chưa được nữa là việc đầu tư theo phong trào của nhiều DN và địa phương. Hầu như địa phương nào có đá vôi là có dự án đầu tư nhà máy xi măng. Bài học từ dự án xi măng Đồng Bành cho thấy việc đầu tư không đồng bộ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu, không cân đối tài chính, thiếu nhân lực có chuyên môn đã dẫn đến hậu quả thua lỗ, phải dừng sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn, có DN "nhanh chân" sang nhượng dự án, nhà máy cho DN khác, nhưng cũng có DN đến thời điểm này muốn thoái vốn cơ cấu lại nợ cũng đành bó tay, nên đã lâm cảnh "bỏ thì thương vương thì tội".

Nói đi cũng phải nói lại, nếu xét trong bối cảnh năm 2005 (nhiều dự án được quyết định đầu tư ở giai đoạn này) tăng trưởng kinh tế của đất nước khá cao, thì số liệu dự báo tăng trưởng của ngành xi măng khá cao cũng là hợp lý. Mặt khác, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn được khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, dự án đầu tư đều có công nghệ hiện đại, có lợi thế cạnh tranh, lại phù hợp quy hoạch, nên trong khó khăn hiện tại cũng khó trách cứ các DN.

Nói về giải pháp, ông Đỗ Đức Oanh cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu chỉ mang tính tình thế, không phải là chủ trương của ngành, vì với giá 38USD-40USD/tấn xuất FOB sẽ không mang lại hiệu quả cho DN. Từ trước đến nay, chưa DN nào đặt vấn đề xuất khẩu xi măng. Tương tự, việc làm đường bằng bê tông xi măng cũng không phải là giải pháp căn cơ vì sản lượng tiêu thụ xi măng không lớn, chưa kể các yếu tố kỹ thuật về giao thông khác. Nên về lâu dài, để đẩy mạnh tiêu thụ vẫn phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Tức là hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục, kéo theo tăng trưởng về đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển khu đô thị… Bên cạnh đó, hiệp hội đã kiến nghị rà soát lại quy hoạch xi măng để thu hẹp khoảng cách giữa cung - cầu. Xóa nhà máy xi măng lò đứng (tổng công suất khoảng 3 triệu tấn) vì đây là nhà máy công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp và ô nhiễm môi trường. Dừng hẳn những dự án chưa đầu tư, không thu xếp được vốn. Theo quan điểm của hiệp hội, với những dự án đang đầu tư, đến năm 2015 sản lượng xi măng ước khoảng 80 triệu tấn (thay vì 94 triệu tấn như quy hoạch đề ra) là vừa đủ. Tuy nhiên, để giúp DN ngay trước mắt, hiệp hội cho rằng Chính phủ cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại danh mục nợ để tránh tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang bế tắc. Đặc biệt, hạ lãi suất cho vay thương mại xuống mức 10-12%/năm thay vì loanh quanh mức 20% hiện nay.

Nguồn:  Website Hiệp hội XM Việt Nam

CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG
Chính sách chất lượng

+ Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà YALY cam kết :
- Ổn định và không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm xi măng ELECEM  và các sản phẩm, dịch vụ do Công ty cung cấp;

- Đáp ứng thỏa mãn nhu cầu và nâng cao lợi ích của khách hàng.

Tổng giám đốc công ty đảm bảo chính sách này được tất cả mọi người trong Công ty  thấu hiểu và quyết tâm thực hiện.

SỰ KIỆN QUA ẢNH
Song Da
PHIM PHÓNG SỰ
LIÊN KẾT WEB
LOGO LIÊN KẾT
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
CỔNG TTĐT CHÍNH PHỦ
Báo điện tử Bộ Xây Dựng
Địa chỉ: Thôn 9 - Xã Nghĩa Hưng - Huyện ChưPăh - Tỉnh Gia Lai
Điện thoại: 02693 845 559 - Fax: 02693 845 549
Copyright © 2011 by SongDaYaLy. Developed by NetSo., JSC.